15 thg 1, 2016

„Kitô hữu là những người tự do, can đảm và vui tươi“ - Đức Hồng-Y Prof. Dr. Reinhard Marx



Thông-cáo báo chí của Hội Đồng Giám-Mục Đức-Quốc
Đức Hồng-Y Prof. Dr. Reinhard Marx: „Kitô hữu là những người tự do, can đảm và vui tươi“
Thánh lễ tại nơi tưởng niệm các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Gặp gỡ các nhà đối lập
Hà-Nội, Việt Nam, 13.01.2016. Vào buổi chiều hôm qua, (giờ Việt Nam) với sự tham dự của trên 3.500 tín hữu, tại nhà thờ Chính tòa Sở Kiến, cách Hà Nội khoảng 60 cây số, vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) Đức-Quốc, Đức Hồng-Y Reinhard Marx đã kêu gọi các tín hữu hãy can đảm làm chứng nhân cho đức tin. Nhà thờ này là nơi tưởng niệm các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ thời bắt đầu truyền đạo cho đến thế kỷ thứ 19. „ Trong cuộc viếng thăm này tôi được nhìn thấy Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội trẻ, một Giáo Hội đầy niềm vui và hy vọng, đầy can đảm và vững tin vào tương lai“. Đức Hồng-Y Marx nói tiếp: Các Thánh Tử Đạo đã cho chúng ta thấy Kitô hữu là những người tự do, can đảm và vui tươi, không sợ hãi.“


„ Từ 2000 năm nay luôn xảy ra chuyện các Kitô hữu bị truy nã, uy hiếp và giết chết. Đối diện với những xung đột đầy hung bạo trên chúng ta tự hỏi: „Tại sao các Kitô hữu đã và đang bị uy hiếp tại nhiều quốc gia trên thế giới, và không được tự do sống đức tin ?“ Theo Đức Hồng-Y Marx thì lý do nằm ở chỗ là các Kitô hữu và đặc biệt các Thánh Tử Đạo là những người tự do và họ đã bỏ sợ sợ hãi ra phía sau mình . Đó là mối đe dọa cho tất cả mọi nhà cầm quyền. „Nhưng không có một quyền lực văn hóa, chính trị hay xã hội nào có thể phá hủy được niềm tin này“. Đây là kinh nghiệm của Giáo Hội từ lúc khởi đầu trong thời đại La Mã. Không có một quốc gia, đảng phái, tổ chức chính trị nào có thể thay thế được chỗ đứng của Thiên Chúa. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm chứng nhân cho niềm xác tín trên.

Trong bài giảng Đức Hồng-Y Marx đề cập đến buổi nói chuyện với các đại diện của chính quyền tại thủ đô Hà Nội về tự do tôn giáo và đạo luật tôn giáo mới: „Tôi có cảm tưởng là từ phía chính phủ họ cầu chúc cho Giáo Hội Việt Nam một tương lai tốt đẹp. Nhưng cần phải rõ là: Tự do tôn giáo có nghĩa là Giáo Hội được hoạt động tự do, ngay cả trong lãnh vực giáo dục và công tác từ thiện, thí dụ như mở trường học và nhà thương.“ Con đường Giáo Hội ở Việt Nam đang đi không đơn giản, nhưng họ có thể tin vào sự trợ giúp của Giáo Hội Đức quốc: „ Chúng tôi sẽ cùng đi con đường của Quý Vị trong liên kết và trong cầu nguyện. Chúng ta hãy cùng nhau làm việc và cầu nguyện - nhất là để cho đạo luật tôn giáo mới sẽ trở thành bước thăng tiến hoạt động của GiáoHội. Chúng ta hãy cầu xin các Thánh Tử Đạo tại đây cầu bầu cho chúng ta.“

Vào buổi sáng cùng ngày Đức Hồng-Y Marx đã gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến. Trong chương trình hôm nay sẽ còn có cuộc thăm viếng một cơ sở kinh doanh người Đức và sau đó sẽ tiếp tục lên đường vào thành phố Ho Chi Minh.

--------------


Đức Hồng y Marx thăm Việt Nam


 





Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Giáo phận Munich và Chủ tịch Hội đồng Giám mục (HĐGM) Đức, đang có chuyến thăm chín ngày từ 08 đến 17/01 tại Việt Nam nhưng không đến được Vinh.
Ngài là một trong chín thành viên của Hội đồng hồng y giúp Đức Giáo hoàng Francis cải tổ giáo triều Rôma, Chủ tịch của Hội đồng Kinh tế Tòa Thánh và thành viên của nhiều bộ quan trọng khác tại Vatican.
Với những vai trò ấy, tiếng nói của Đức Hồng y (ĐHY) Marx rất quan trọng. Đó cũng là lý do tại sao chuyến thăm này được người Công giáo Việt Nam chờ đón, kỳ vọng nhiều.

Biết thêm về Giáo hội Việt Nam

Theo thông cáo của HĐGM Đức ngày 29/12/2015, ĐHY Marx thăm Việt Nam vì ngài ‘muốn tìm hiểu về một Giáo hội đang lớn mạnh’ dù phải sống ‘trong một hoàn cảnh khó khăn’.
Chuyến đi cũng nhằm thiết chặt tình liên đới, hiệp thông giữa Giáo hội Công giáo ở Việt Nam và Đức. Hơn nữa, qua chuyến thăm, ngài còn muốn nâng đỡ, khuyến khích Giáo hội Việt Nam mạnh dạn dấn thân, đặc biệt trong các hoạt động phục vụ người nghèo.
Vì vậy, ĐHY đã dành một thời gian khá dài cho chuyến đi và trọng tâm của các hoạt động của ngài ở Việt Nam là thăm các giáo phận và gặp gỡ, trao đổi với các giám mục, linh mục, tu sỹ và giáo dân tại những điểm ngài tới.
Điểm dừng chân đầu của ngài và phái đoàn HĐGM Đức là Hà Nội. Chiều 10/01, ĐHY Marx đã chủ sự Thánh lễ tại Nhà thờ Chính Toà Hà Nội, với sự tham dự của Đức Hồng y Phêrô Nguyên Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội, nhiều giám mục, linh mục, tu sỹ, giáo dân thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội.
Ngõ lời với cộng đoàn tham dự Thánh lễ, ĐHY Marx chia sẻ: ‘Chúa Giêsu đã gần gũi với những người bị bỏ rơi, những người bất hạnh đau khổ. Chúng ta cũng phải làm như vậy’.
Trong thời gian ở Hà Nội, ĐHY Marx còn thăm và dâng lễ tại Nhà thờ Sở Kiện, nơi có Đền tưởng nhớ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và Trung tâm hành hương Tam Đảo, thuộc Giáo phận Bắc Ninh, mới được mở cửa trở lại năm 2011, sau gần 60 năm bị đóng.
Một địa điểm khác được đưa vào chương trình chuyến thăm là Giáo phận Vinh. Theo chương trình ban đầu, ĐHY Marx và đoàn HĐGM Đức sẽ thăm Nghệ An trong hai ngày, 12 và 13/01.
Trong thời gian ấy, ĐHY dự kiến sẽ có cuộc gặp với Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận và Chủ tịch Ủy Công lý và Hòa bình, thuộc HĐGM Việt Nam, và viếng thăm Đền thánh Antôn tại Trái Gáo, xứ Mỹ Yên.
Được biết Giáo phận Vinh đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp ĐHY Marx và phái đoàn. Nhưng cuối cùng, chuyến đi bị hủy bỏ.
Trong một văn thư gửi HĐGM Việt Nam ngày 31/12, Ban Tôn giáo Chính (BTG) phủ đồng ý cho đoàn HĐGM Đức ‘thăm và hoạt động tôn giáo tại các tỉnh, TP: TP Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, không thăm và hoạt động tôn giáo tại tỉnh Nghệ An’.
Vì văn thư ấy không nêu lý do tạo chính quyền Việt Nam không cho đoàn HĐGM Đức vào Nghệ An, ngày 03/01, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã gửi Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM Việt Nam một lá thư.
Trong thư ấy, Đức cha Hợp xin Đức Tổng Đọc chuyển tới BTG Chính phủ hai điểm: (1) cho biết lý do tại sao họ không đồng ý cho đoàn HĐGM Đức vào Nghệ An và (2) yêu cầu họ chấp thuận cho đoàn của ĐHY Marx ‘thăm và hoạt động tôn giáo tại tỉnh Nghệ An như chương trình của đoàn đã sắp xếp ban đầu’.
Trong thời gian gần đây, tại Giáo phận Vinh có những bất đồng, tranh chấp về đất đai, cơ sở, quyền tự do tôn giáo giữa một số giáo xứ và chính quyền địa phương. Dù đến giờ chưa có lời giải thích chính thức, đó có thể là lý do tại sao ĐHY Marx không được phép vào Nghệ An.
Theo chương trình được HĐGM Đức thông báo hôm 29/12/205, trong những ngày ở Sài Gòn, ngoài nhiều hoạt động khác – như thăm Trung tâm Caritas đầu tiên của Việt Nam, thăm một nhà máy dệt và một trường dạy nghề – ĐHY Marx còn tới thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, thuộc Quận 2.
Không biết dự định này có được thực hiện. Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cũng được coi là một ‘điểm nóng’ về tranh chấp đất đai, cơ sở tôn giáo thu hút sự chú ý của dư luận gần đầy. Vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền tại đây đã cho tháo gỡ, đập phá một cơ sở của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Nhưng trước sự phản đối của các nữ tu và dư luận nói chung chính quyền Quận 2 đã ngưng những hành động đó.

Cải thiện quan hệ với chính quyền

Chiều 11/01, Đức Hồng y Marx và ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có một cuộc gặp tại Hà Nội.
Việc chính quyền để một ủy viên Bộ Chính trị tiếp Đức Hồng y Marx chứng tỏ họ coi trọng ngài và chuyến thăm này.
Hơn nữa nó cũng cho thấy – như ông Nhân phát biểu trong cuộc gặp và được báo chí Việt Nam trích dẫn – trong thời qua, quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đã có sự tiến triển tích cực.
Chuyện HĐGM Việt Nam gần đây được mở Học viện Công giáo đầu tiên – sau mấy thập kỷ các đại học, trường học và các cơ sở giáo dục Công giáo khác bị tịch thu hoặc bị đóng cửa – là một dấu chỉ chứng tỏ quan hệ giữa chính quyền và Giáo hội đã được cải thiện đáng kể.
Nhưng điều đó không có nghĩa là hai bên không còn có những bất đồng. Việc đoàn HĐGM Đức không được vào Nghệ An ít hay nhiều cho thấy quan hệ giữa hai bên vẫn có những cản trở. Liệu chuyến đi này có thể giúp phần nào tháo gỡ những khúc mắc ấy?
Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Thiện Nhân còn nhấn mạnh rằng ông mong muốn với vai trò của mình, ĐHY Marx sẽ có tiếng nói nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức, cũng như Vatican sau chuyến thăm.
Đây cũng là điều Giáo hội Việt Nam mong muốn, hy vọng.
Giống như nhiều tôn giáo, tổ chức xã hội khác, Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn mong muốn được tự do tham gia vào các hoạt động xã hội ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bác ái.
Chia sẻ tại Thánh lễ ở Nhà thờ Sở Kiện chiều 12/01, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Đức cho biết, trong cuộc gặp với đại diện chính quyền ở Hà Nội ngài có đề cập đến quyền tự do tôn giáo và dự luật mới về tôn giáo.
Ngài có cảm tưởng rằng chính quyền Việt Nam cũng mong muốn Giáo hội Việt Nam có tương lai tốt đẹp.
Nhưng ngài muốn mọi chuyện cụ thể, rõ ràng hơn. Theo Đức Hồng y, ‘tự do tôn giáo có nghĩa là Giáo hội có thể hoạt động tự do, ngay cả trong lãnh vực giáo dục và bác ái, chẳng hạn như trong việc thành lập các trường học hay các bệnh viện’.
Một điều khác mà người Công giáo Việt Nam luôn mong ước là được đón tiếp Đức Giáo hoàng tại quê hương mình.
Dù vẫn là thiểu số, số lượng người Công giáo ở Việt Nam khá đông so với nhiều nước châu Á khác, chỉ sau Philippines, Ấn Độ và Indonesia.
 
Việt Nam là nước có đông người Công giáo thứ hai ở châu Á
Xét về tỷ lệ, với khoảng 6.8% dân số, Việt Nam là nước có đông người Công giáo thứ hai ở châu Á, chỉ sau Philippines – nước có khoảng 80% dân theo Công giáo – và vượt xa các nước như Indonesia (2.9%), Ấn Độ (0.9%), Nhật (0.3%) và Thái Lan (0.3%).
Trong khi Philippines, Hàn Quốc và Ấn Độ đã có hai hoặc ba lần đón tiếp Đức Giáo hoàng và những nước châu Á có tỷ lệ người Công giáo ít như Indonesia, Nhật, Singapore và Thái Lan đã từng đón Đức Giáo hoàng (Jean Paul II), Việt Nam vẫn chưa một lần tiếp đón người đứng đầu Giáo hội Công giáo.
Lướt qua danh sách những quốc gia Đức Giáo hoàng Francis dự tính viếng thăm vào những năm tới – trong đó Indonesia năm 2017 – Việt Nam vẫn chưa có trong danh sách đó.
Liệu trong thời gian tới, Việt Nam có những chuyển biến tích cực, quan hệ giữa Việt Nam và Vatican được cải thiện và Đức Giáo hoàng Francis có thể ghé thăm Việt Nam – chẳng hạn trước hoặc ngay sau khi ngài đến Indonesia dự Ngày Giới trẻ Công giáo châu Á vào tháng Tám năm 2017?
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một người Công giáo, đang sống tại Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét