Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 12/7 công bố báo cáo nói rằng nhiều tù nhân
lương tâm ở Việt Nam đã bị đánh đập, biệt giam và không được chữa trị.
Tổ chức nhân quyền này kêu gọi Việt Nam chấm dứt tra tấn và ngược đãi
các tù nhân lương tâm.
Bản báo cáo là kết quả của một năm thu thập thông tin và phỏng vấn 18
cựu tù nhân lương tâm. Năm người trong số này nói họ đã bị biệt giam
trong thời gian dài, không được tiếp xúc với không khí trong lành, nước
sạch và vệ sinh. Họ kể một số tù nhân khác thường xuyên bị đánh đập.
Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà bất đồng chính kiến từng bị bỏ tù 30 tháng, mô tả thêm với VOA về điều kiện trong nhà tù Việt Nam:
“Trong khi điều kiện kinh tế và điều kiện xã hội đang tốt hơn lên,
nói chung những người tù vẫn tiếp tục bị giam cầm trong những điều kiện
hết sức khó khăn, và họ rõ ràng là bị phân biệt đối xử. […] Hầu hết tất
cả các tù nhân chính trị ở Việt Nam họ bị giam cầm riêng biệt. Họ có thể
bị biệt giam một cách rất tùy tiện. Nó có cái khái niệm là ‘tù trong
tù’. Là vì trong mỗi cái nhà tù như vậy thì họ có xây những cái khu
riêng để giam những người tù chính trị. Mình gọi là tù chính trị chứ nhà
nước họ không bao giờ công nhận là có tù chính trị, mà họ gọi là các tù
nhân xâm phạm an ninh quốc gia, […] thì họ giam riêng, và nói chung là
bị phân biệt đối xử nặng nề”.
Phần lớn những người tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị ở Việt Nam
sau khi ra tù vẫn bị quản chế, theo đó họ không được tự do đi lại và bị
nhà chức trách giám sát, theo dõi. Luật sư Lê Quốc Quân cho biết trên
thực tế nhà nước thi hành “án quản chế” khắt khe hơn so với luật định:
“Dù có bị quản chế hay không quản chế và đang còn hay hết thời gian
quản chế thì nhà nước vẫn luôn luôn theo dõi, luôn luôn giám sát và ngăn
chặn. […] Tôi sau khi ở tù tôi ra thì tôi thấy là cái hành xử nó rất là
bất công và nó phi lý. Nó chả có căn cứ pháp luật nào cả. Họ thích như
thế nào là họ làm. Mà gần đây đánh đập và hành hung còn gia tăng nữa”.
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Chống tra tấn
vào năm 2015 nhưng Ân xá Quốc tế cho rằng chính phủ Việt Nam cần phải
làm nhiều hơn nữa. Luật sư Quân cho rằng tác động của cộng đồng quốc tế
lên Việt Nam là “hết sức cần thiết nhưng không được”. Ông nhận xét rằng
vào lúc Việt Nam phát triển hơn, thay vì cần nâng cao mức độ văn minh và
dân chủ, nhà nước lại dành nhiều nguồn lực hơn cho bộ máy kiểm soát và
đàn áp những tiếng nói phản biện và đối lập. Ông bình luận:
“Cái xu hướng của loài người, và cái xu hướng của đất nước Việt Nam
đáng lẽ ra phải theo hướng càng ngày càng tôn trọng [nhân quyền] hơn. Và
tôi hy vọng rằng từ trong chính phủ họ phải thay đổi, chứ còn áp lực
quốc tế thì cũng nhiều lần họ bơ đi, họ xem thường thôi”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không đáp lại đề nghị bình luận về báo cáo này của báo giới nước ngoài.
Ngồn: VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét