31 thg 8, 2016

Myanmar tổ chức hòa đàm với các nhóm sắc tộc


Image copyrightAP
Image captionBà Aung San Suu Kyi tuyên bố việc đảm bảo hòa bình là ưu tiên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ
Chính phủ Myanmar đang tổ chức các cuộc hòa đàm với các nhóm sắc tộc có vũ trang như là một phần của nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột kéo dài nhiều thập niên.
Sự kiện diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw, quy tụ 17 nhóm, với sự góp mặt của bà Aung San Suu Kyi và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon.
Chính phủ hy vọng có thể thuyết phục các nhóm giải giáp vũ khí mãi mãi để đổi lại ảnh hưởng lớn hơn.
Tại cuộc họp, ông Ban nêu những quan ngại về dân tộc thiểu số Rohingya.
Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, đã có cuộc xung đột có vũ trang với các nhóm khác nhau vốn muốn đòi quyền tự trị lớn hơn kể từ sau khi giành được độc lập từ Anh hồi năm 1948.
Chính phủ cũ do quân đội hậu thuẫn đã đạt thỏa thuận ngừng bắn với một số nhóm, nhưng chưa bao giờ đạt được thỏa thuận trên phạm vi toàn quốc.
Những vụ bạo lực, nhất là ở khu vực gần biên giới với Trung Quốc, khiến hàng vạn người thiệt mạng hoặc phải đi lánh nạn trong những năm qua.

'Ưu tiên'

Bà Aung San Suu Kyi tuyên bố việc đảm bảo hòa bình là ưu tiên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Tất cả các nhóm sắc tộc vũ trang, trong đó có hàng vạn chiến binh, được mời và hầu hết đều nhận lời tham dự hòa đàm.
Image copyrightEPA
Image captionMột cuộc biểu tình của người Rohingya
Họ gồm các nhóm Karen, Kachin, Shan và Wa.
Nhưng ba nhóm vũ trang nhỏ hơn không được mời, vì họ sẽ không đồng ý với các điều khoản và vẫn đang chiến đấu chống lại quân chính phủ.
Chính phủ muốn các nhóm vũ trang tiến hành giải giáp vũ khí để đổi lấy quyền lực.
Nhưng phóng viên BBC Jonah Fisher tại thủ đô Nay Pyi Taw nói quân đội, hiện vẫn giữ 25% số ghế trong quốc hội, có khả năng phản đối bất kỳ động thái nào như vậy.
Ông Ban cho biết các hòa đàm là " bước quan trọng đầu tiên", nhưng các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Phóng viên BBC nói sự phức tạp và quy mô của các cuộc đàm phán có thể khiến người ta nản lòng, nhưng đó gần như chắc chắn là cơ hội tốt nhất để Myanmar có hòa bình trên toàn quốc trong gần 70 năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét