16 thg 11, 2016

Freedom House xếp Việt Nam áp chót về tự do Internet

Tổ chức độc lập Freedom House hôm 14/11 ra báo cáo năm 2016 đánh giá Việt Nam đứng áp chót về tự do Internet và tự do báo chí.
Freedom House xác định Việt Nam đứng ở vị trí 76 về tự do Internet trong số 88 nước mà tổ chức này theo dõi, đánh giá. Tổ chức chuyên thúc đẩy tự do và dân chủ trên thế giới nói Việt Nam không có tự do Internet lẫn tự do báo chí.
Tổ chức có trụ sở ở Mỹ và đã hoạt động 75 năm nay mô tả rằng nhà nước Việt Nam kiểm soát tất cả các cơ quan báo chí, và nhà chức trách tích cực dập tắt tiếng nói của các nhà báo hoặc các blogger hay chỉ trích thông qua bắt bớ, truy tố cũng như các hình thức sách nhiễu khác.
VOA đã cố gắng liên lạc với bộ trưởng và một số cục trưởng của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam để hỏi về phản ứng của họ đối với báo cáo, song họ không trả lời điện thoại.
Lên tiếng từ Nha Trang, nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA ông đồng ý với đánh giá của Freedom House:
“Là người làm báo, đồng thời cũng quan sát cộng đồng mạng lâu nay, tôi thấy đánh giá đó cũng đúng thôi. Nói chung, Việt Nam mà nói chuyện tự do, nhân quyền, đặc biệt là tự do báo chí, tự do ngôn luận thì mọi tổ chức ở trên thế giới người ta đều xếp Việt Nam gần đội sổ. Tôi cũng tán thành đánh giá đó là đúng”.
Nhà báo lâu nay thường lên tiếng thúc đẩy dân chủ và chỉ trích các bất công trong xã hội Việt Nam đã nêu ra những ví dụ về việc nhà chức trách hạn chế tự do Internet và tự do ngôn luận:
“Hầu hết các trang của truyền thông nước ngoài hoặc là trong nước nhưng của các cá nhân mà có tính chất phản biện thì đều bị chặn tường lửa. Có những trang bị chặn theo từng thời gian. Có lúc thì nới, có lúc lại tăng tường lửa chặn. Thì đấy là trở ngại trên Internet. Ngoài ra, đáng lưu ý hơn là hầu hết người có tri thức, có tâm huyết với đất nước, có ý thức phản biện để góp ý cho nhà nước điều chỉnh chính sách sao cho hợp lý, cho tiến bộ văn minh thì đều bị theo dõi, khủng bố, đánh đập, bắt bỏ tù, v.v… liên tục như thế”.
Theo báo cáo của Freedom House, bất chấp các hạn chế của chính phủ, vẫn có nhiều người Việt Nam sử dụng Internet và truyền thông xã hội để tranh luận về chính trị, họ thường sử dụng những kỹ thuật vượt tường lửa để tránh sự kiểm duyệt và tránh để lộ thông tin cá nhân.
Tổ chức này cũng cho biết nhà chức trách đã triển khai lực lượng những người thân chính phủ trên mạng xã hội để thao túng quan điểm của công chúng trên mạng. Ở Việt Nam, những người đó được gọi là dư luận viên.
Là người ở Việt Nam, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng một mặt có những hạn chế đối với những tiếng nói phản biện, chỉ trích chính phủ, song ông cũng thấy có những mảng sáng trong việc phát triển và sử dụng Internet trong nước.
Ông chỉ ra rằng việc sử dụng mạng xã hội Facebook tự do hơn nhiều so với Trung Quốc, hay việc trao đổi thông tin qua Internet, qua email để kết giao, kinh doanh cũng rất thuận tiện.
Mặc dù vậy, ông Tạo nhận xét các tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực các quyền tự do nói chung và tự do Internet nói riêng còn chậm chạp, dù được các nước và các tổ chức quốc tế khuyến khích, giúp đỡ. Ông nói:
“Các định chế quốc tế hoặc các nước có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam thì họ cũng có cố gắng giúp Việt Nam cải thiện, sửa các điều luật mà không hợp lý, nhất là những điều luật liên quan đến nhân quyền. Thì Việt Nam có tiếp thu chứ không phải không, nhưng mà ở mức độ thấp thôi. Và thậm chí có khi là sửa luật nhưng cuối cùng lại không vận dụng luật”.
Trong vài tháng gần đây, nhà chức trách Việt Nam đã có những động thái gây quan ngại về tự do ngôn luận, tự do Internet. Hồi đầu tháng 10, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn gọi là Mẹ Nấm, đã bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Cùng thời gian, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đình bản hoặc kỷ luật một số cơ quan báo chí và lãnh đạo báo chí vì đăng tin, bài gây bất lợi cho chính quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét