30 thg 8, 2017

Houston: ‘Sau tôi là đại hồng thủy’

Houston: ‘Sau tôi là đại hồng thủy’

Hà Tường Cát/Người Việt
Hình chụp hôm 28 Tháng Tám khi một khu nhà ở thành phố Houston chìm trong biển nước lụt vì cơn bão Harvey. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)
“Après moi le déluge,” dịch sang tiếng Việt “sau tôi là đại hồng thủy,” thành ngữ nổi tiếng trong lịch sử nước Pháp. được coi như lời phát biểu của người tình nổi tiếng Madame de Pompadour, hoặc của chính vua Louis XV (1710-1770), vị vua áp chót của triều đại Bourbon trước khi chế độ quân chủ Pháp bị đánh đổ bởi cuộc cách mạng 1789.

Ý nghĩa của câu nói này là sau nhiều năm vương triều Boubon vẫn có thể sống xa hoa tiêu xài hoang phí bất kể hậu quả với đất nước, tôi không cần biết điều gì sẽ xảy đến khi tôi không còn nữa.
Mặc dầu hoàn cảnh khác biệt, có thể so sánh tư tưởng cũ từ thế kỷ 18 ấy với quan niệm ngày nay của Tổng Thống Mỹ Donald Trump khi ông phủ nhận mọi luận cứ của giới khoa học về tình trạng khí hậu Ðịa Cầu ấm dần sẽ đưa đến những thiên tai khủng khiếp. Bất kể mọi hiểm họa tương lai ấy, ông quyết định cho nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận về khí hậu ký kết giữa 174 nước trong Liên Hiệp Quốc ở Paris, chỉ cần sao cho công nhân Mỹ tiếp tục giữ được việc làm như vẫn có trong các ngành công kỹ nghệ bây giờ.
Bão Harvey và lũ lụt kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử, xứng đáng được gọi là đại hồng thủy, vừa xảy ra ở miền Nam Texas, ảnh hưởng đến nửa triệu dân Mỹ, với những tổn hại vật chất ngang với thiên tai Katrina năm 2005 ở Louisiana.
Trong ba ngày tính đến hôm Chủ Nhật 27 Tháng Tám, 34 tỷ mét khối nước đã đổ xuống thành phố Houston và mưa lũ dự đoán sẽ kéo dài đến cuối tuần này. Sức gió của bão Harvey đã giảm xuống dưới 38 dặm/giờ trở thành một trung tâm áp thấp nhưng vẫn còn tồn tại và di chuyển rất chậm (3 dặm/giờ) về hướng Ðông-Ðông Bắc qua Louisiana tới Arkansas.
Thành phố Houston trong nước lụt hôm 28 Tháng Tám. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)
Người ta tin rằng khi nước lụt đã rút xuống ở Houston thì những tranh luận chắc chắn sẽ nổi lên mạnh mẽ và còn kéo dài không dứt. Hai tuần trước thảm họa Harvey, Tổng Thống Trump có một quyết định được xem là thiển cận trong việc hủy bỏ một sắc lệnh của tổng thống khi ông phát động chương trình hàng tỷ đô la đã hứa hẹn từ thời tranh cử nhằm cải tạo hạ tầng cơ sở của nước Mỹ bao gồm cầu, đường lộ, đường sắt, phi cảng, đập nước. Xóa bỏ mọi di sản của chính quyền trước là chủ trương của ông Trump mặc dầu sắc lệnh năm 2015 của ông Obama chỉ đòi hỏi một mục tiêu là “trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng của liên bang, các cơ quan chức năng phải chú trọng đến tình trạng khí hậu biến đổi.”
Bão Harvey là chuyện bình thường hàng năm trong mùa bão tố Ðại Tây Dương từ Tháng Năm đến Tháng Mười Một. Ngày 13 Tháng Tám 2017, NHC – Trung Tâm Quốc Gia Bão Tố – ở Miami bắt đầu theo dõi sự di chuyển của một vùng khí áp nhiệt đới thấp trên Ðại Tây Dương phía Tây Châu Phi gần Cape Verde, trở thành bão nhiệt đới Harvey (sức gió dưới 73 dặm/giờ) hôm 17/8 ở gần đảo quốc Dominica ngoài khơi Venezuela.
Di chuyển về hướng Tây-Tây Bắc qua vùng biển Carribea, bão yếu và có vẻ tan dần, đến ngày 20 Tháng Tám chỉ còn là một áp thấp nhiệt đới, sức gió dưới 38 dặm/giờ. Nhưng sau khi đi ngang bán đảo Yucatan ở Mexico gần Cancun vào tới vịnh Mexico, Harvey trở lại thành một bão nhiệt đới và đến ngày 24 Tháng Tám bão tăng sức mạnh lên tới cỡ hurricane cấp 3, sức gió trên 111 dặm/giờ, và chuyển hướng về Tây Bắc đi đến bờ biển Nam Texas.
Ðêm Thứ Sáu 25 Tháng Tám (giờ Texas) bão Harvey là một hurricane cấp 4 với sức gió 130 dặm/giờ, đổ bộ vào Rockport, giữa Corpus Christi và Houston. Ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật khi con mắt (trung tâm bão) vào đất liền, gió giảm dần sức mạnh, Harvey trở lại thành bão nhiệt đới và đến sáng Thứ Hai chỉ còn là một áp thấp nhiệt đới với sức gió 35 dặm/giờ. Nhưng mưa lũ gây ngập lụt trở thành nguy hiểm chính tiếp theo gió bão.
Hôm Thứ Sáu, vũ lượng ở vùng Houston và phụ cận là 300 mm, lên 500 mm hôm Thứ Bảy, 1,000 mm ngày Chủ Nhật, và có thể còn tiếp tục tăng hơn đầu tuần lễ này. Ðây là lượng nước mưa lớn chưa từng thấy ở ngoài miền xích đạo và nhiệt đới. Việt Nam là một xứ mưa nhiều nhưng vũ lượng trung bình trong một năm chỉ trong mức khoảng 1,200 mm đến 3,000 mm và một trận mưa 300 mm là rất hiếm có.
Bản đồ radar về mưa lũ ngày Chủ Nhật, 28 Tháng Tám 2017. Trung tâm bão chấm đỏ ở phía Tây thành phố Houston và mưa dữ dội nhất tại khu vực Ðông Bắc thành phố. (Hình: Trung Tâm Quốc Gia Bão Tố NHC)
Hàng trăm ngàn người từ các vùng phía Nam Texas di tản về Houston tránh bão, nhưng chính quyền thành phố tuần trước đã không ban hành lệnh cưỡng bách di tản mà khuyên dân chúng thành phố là hãy trú ẩn tại chỗ. Quyết định ấy hợp lý vì với hệ thống xa lộ, đường sắt và đường hàng không ở đây, không thể nào thực hiện một cuộc di tản vĩ đại cho 6.6 triệu cư dân thành phố lớn thứ tư nước Mỹ này. Năm 2005, 2.5 triệu người di tản khỏi Houston để tránh bão Rita, nhưng kết quả là các xa lộ kẹt cứng, hầu hết đã phải trở lại sau 20 giờ không thể đi xa vài chục dặm.
Thiệt hại riêng về lụt lội ở vùng Houston là rất nặng cho các công ty dầu lửa, bệnh viện, các công ty bảo hiểm và nhà cửa cùng sinh hoạt của dân chúng. Giám Ðốc Brock Long của FEMA, cơ quan cứu trợ khẩn cấp liên bang, ước lượng có 450,0000 người cần được sự trợ giúp và theo ông công cuộc phục hồi sau bão Harvey có thể đòi hỏi thời gian từ 2 đến 4 năm mới hoàn thành.
Năm 2005, Tổng Thống George W. Bush đã chậm trễ và lúng túng trong quyết định đối phó với thiên tai Katrina, Tổng Thống Donald Trump rút được kinh nghiệm ấy và ông dự định sẽ đến thăm Houston ngày Thứ Ba. Thời điểm đến thăm vùng thiên tai là quyết định có rủi ro cho một tổng thống, đến quá sớm có thể gây trở ngại cho công tác cấp cứu và hoạt động của các tổ chức cứu trợ mà đến chậm quá sẽ bị coi là hờ hững. Ông Trump rút những kinh nghiệm từ hai người tiền nhiệm và hy vọng sẽ có được thêm uy tín như Tổng Thống Obama với thiên tai Sandy trước kỳ tái tranh cử năm 2012.
Sau lũ lụt và nước biển dâng tràn gây ngập lụt ở New Orleans do bão Katrina, rõ ràng Houston chưa rút kinh nghiệm và dành đủ lo lắng cho việc đề phòng rủi ro lũ lụt, vì thiên nhiên là khó dự đoán nhưng con người phải biết tiên liệu đề phòng. Bão Harvey đã đổ bộ vào miền duyên hải Texas ở nơi mực nước biển tăng 15 cm trong nhiều thập niên vừa qua, một phần do hoạt động khai thác dầu khí làm bờ biển lún xuống, phần khác do tác động của nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên. Mặt biển ấm hơn làm nước bốc hơi nhiều và không khí ẩm trong khí quyển góp phần tăng cường sức mạnh cho các cơn bão.
Ðây không phải là dự đoán thuần lý trí mà là căn cứ theo những quy luật đã hiểu biết được qua hàng ngàn năm tiến triển của kiến thức con người. Vì vậy các thiên tai về thời tiết, chỉ nói riêng tại Mỹ, trong những năm gần đây như bão Katrina năm 2005 ở Louisiana, siêu bão Sandy tàn phá miền duyên hải Ðông Bắc năm 2012 và đại hồng thủy 2017 ở Houston, là các dấu hiệu báo trước đáng phải quan tâm không chỉ cho các thế hệ tương lai mà có thể ngay trong thời đại không xa.
Do đó bàn cãi trong khuôn khổ chính trị sẽ không có ý nghĩa gì, trừ khi người Mỹ muốn lập luận theo vua Louis XV để thản nhiên tìm cách thụ hưởng hạnh phúc ở xã hội sống sung túc nhất trong các quốc gia trên thế giới, còn thì mặc kệ cho viễn tượng “Après nous le déluge.”
–––––––––––
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét