‘Triều đại Merkel’ sắp kết thúc ở Đức?
Đức, quốc gia ổn định nhất của Liên minh châu Âu, đã rơi vào một cuộc
khủng hoảng chính trị hôm thứ Hai (20/11), sau khi lãnh đạo Đảng Dân
chủ Tự do (FDP) rời khỏi cuộc đàm phán của 4 đảng và nói rằng không có
“cơ sở tin cậy” để thành lập một chính phủ liên hiệp với đảng bảo thủ
CDU-CSU và đảng Xanh.
Các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tuần về việc hình thành một chính phủ
liên hiệp tiếp theo của Đức đã bị sụp đổ khi cả bốn đảng tham gia đàm
phán bất đồng về các chính sách di cư và năng lượng cũng như việc hội
nhập liên minh châu Âu.
Thủ tướng Angela Merkel dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Đức vào
ngày thứ Hai 20/11, nhưng vẫn chưa rõ liệu bà sẽ nỗ lực điều hành một
chính phủ thiểu số, ngăn chặn một cuộc bầu cử quốc hội sớm, hay đề nghị
tiến hành bầu cử vào đầu năm tới.
“Có ít nhất một ngày để ngẫm nghĩ về việc sẽ phải tiếp tục làm như
thế nào tại Đức, nhưng tôi sẽ làm tất cả mọi điều có thể, trong tư cách
Thủ tướng của thời kỳ chuyển tiếp, để đảm bảo rằng đất nước này sẽ được
đưa ra khỏi những tuần khó khăn này”.
Thủ tướng Đức đã cố gắng tạo ra một liên minh phức tạp giữa đảng Liên
minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của bà (CDU), với chi nhánh của đảng này ở
Bavaria là đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU), với Đảng Dân
chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh sau cuộc bầu cử liên bang hồi cuối tháng
Chín.
“Kết quả là bốn đối tác liên minh không đồng quan điểm về vấn đề hiện
đại hóa đất nước và trên hết là không có cơ sở cho sự tin tưởng lẫn
nhau có thể phát triển”.
Bà Merkel, lãnh đạo lâu năm nhất châu Âu, đang phải đối mặt với những
chỉ trích nội bộ mới về cách tổ chức các cuộc hội đàm liên minh.
Vấn đề di trú được xem là không thể giải quyết trong các cuộc đàm
phán liên minh. Với những vấn đề như vậy và với khả năng tổ chức bầu cử
sớm, đảng CDU, CSU và FDP có vẻ như quyết tâm đánh bại đối thủ trong
việc đề xuất các biện pháp kiểm soát di trú khắt khe hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét