Hôm 5/1, ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị kết án tổng cộng 37 năm tù và 9 năm quản chế, một luật sư bào chữa cho VOA biết. Riêng ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội, bị phạt 15 năm tù và 3 năm quản chế.
Hai thành viên còn lại Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi người bị phạt 11 năm tù và 3 năm quản chế trong vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 do Tòa án Nhân nhân Tp. Hồ Chí Minh xét xử ngày 5/1.
Ông Nguyễn Văn Miếng, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy, nói với VOA:
“Đây là một mức án rất nặng nề trong giai đoạn hiện nay khi mà Việt Nam đang tranh thủ sự quan tâm của quốc tế.
“Ba người này đã thể hiện quyền tự do báo chí và cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền nhưng đã bị tòa án kết án “tuyên truyền chống nhà nước,” “cổ xúy cho việc thay đổi thể chế chính trị thành tam quyền phân lập”. Điều này đã bị các bị cáo bác bỏ.”
Luật sư Miếng lặp lại phát biểu sau cùng của ông Dũng tại tòa:
“Cuối phiên tòa ông Phạm Chí Dũng nói rằng nếu ông bị kết án với mức án nặng nề là việc vi phạm trắng trợn quyền tự do về báo chí, cũng như các quyền về dân chủ và nhân quyền khác ở Việt Nam, và sẽ bất lợi cho mối bang giao giữa Việt Nam và các nước khác trong giai đoạn hiện nay.”
Bà Bùi Thị Hồng Loan, vợ của ông Phạm Chí Dũng, người được dự phiên tòa hôm 5/1, cho VOA biết rằng nếu chiếu theo khung hình phạt 10-20 năm tù của khoản 2 Điều 117 thì bà không ngạc nhiên về bản án đối với chồng bà, nhưng đối chiếu với bản cáo trạng thì bà cảm thấy buộc tội như vậy là “mơ hồ.”
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm 5/1 cho VOA biết rằng RSF “thực sự kinh hãi trước những bản án rất nặng nề này.”
“Càng kinh ngạc hơn khi biết rằng phiên xử chỉ kéo dài chưa đầy nửa ngày. Phiên tòa cho thấy giới lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay coi thường hoàn toàn Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và điều 25 của Hiếp pháp này, trong đó tuyên bố quyền tự do báo chí,” ông Daniel Bastard, Trưởng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của RSF viết.
“Phiên tòa này một lần nữa thể hiện sự kém cỏi của nền công lý Việt Nam,” ông Bastard nhận định.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết các bản án này cho thấy sự khinh thường của chính phủ Việt Nam đối với truyền thông tự do, đặc biệt là trước thềm Đại hội Đảng XIII.
Bà Emerlynne Gil, Phó giám đốc khu vực của AI cho Reuters biết: “Mức độ nghiêm trọng của các bản án cho thấy sự khắc nghiệt của việc kiểm duyệt ở Việt Nam.”
Trước phiên tòa, Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), gọi các cáo buộc này là “không có thật”.
“Nếu đảng cầm quyền tự đắc trong vai trò lãnh đạo của mình, thì đảng này nên thể hiện sự tự tin của mình bằng cách tôn trọng các quyền dân sự và chính trị, chấm dứt kiểm soát chặt chẽ báo chí và cho phép các nhà báo độc lập tự do phát biểu ý kiến của mình thay vì bịt miệng bằng việc bắt giữ và bỏ tù dài hạn,” ông Robertson nói.
Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAV), đồng thời là một cộng tác viên thường xuyên của VOA, bị bắt ngày 21/11/2019, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Báo Công an Tp. HCM hôm 5/1 viết: “Phạm Chí Dũng còn tạo lập quan hệ, ký kết hợp đồng viết bài, trả lời phỏng vấn với các trang tin điện tử, các cơ quan truyền thông nước ngoài với mục đích “đấu tranh” làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam.”
https://www.voatiengviet.com/a/nha-bao-pham-chi-dung-bi-ket-an-15-nam-tu-3-nam-quan-che/5725001.html