13 khôi nguyên Nobel yêu cầu LHQ chấm dứt khủng hoảng Rohingya
Lá thư nêu bật tình cảnh khốn khổ của người Rohingya hiện nay, với
“hơn 30.000 người bị thất tán, nhà cửa bị đốt cháy, phụ nữ bị hãm hiếp,
nhiều thường dân bị bắt giữ, trẻ em bị giết chết” trong một “thảm họa
nhân đạo có thể được coi là một cuộc thanh tẩy sắc tộc và tội ác chống
lại nhân loại”.
Hàng trăm người Rohingya đã bị giết chết sau khi bạo lực bùng phát cách đây hơn hai tuần.
Liên Hiệp Quốc cho biết khoảng 370.000 thường dân Rohingya phải vượt
biên giới sang Bangladesh. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra'ad
Al Hussein mô tả các hoạt động của lực lượng vũ trang Myanmar là “thanh
tẩy sắc tộc”.
Các khôi nguyên Giải Nobel, các nhà hoạt động, chính trị gia và một
số nhân vật nổi tiếng khác cùng lên tiếng trong thư kêu gọi “Liên Hiệp
Quốc làm mọi điều có thể để thúc đẩy chính phủ Myanmar dỡ bỏ mọi hạn chế
về viện trợ nhân đạo, để mọi người nhận được sự trợ giúp khẩn cấp”,
Những người ký tên trong thư còn yêu cầu Liên Hiệp Quốc tạo áp lực
đòi chính phủ Myanmar cấp quốc tịch cho người Rohingya, mời các nhà báo
và các nhà theo dõi nhân quyền đến những khu vực nhạy cảm và thiết lập
một cuộc điều tra quốc tế độc lập để xác minh sự thật về tình hình hiện
tại.
“Chúng tôi kêu gọi các thành viên của Hội đồng Bảo an đưa cuộc khủng
hoảng này vào chương trình nghị sự của Hội đồng như một vấn đề cấp bách,
và kêu gọi Tổng thư ký ưu tiên tới thăm Myanmar trong những tuần lễ
tới”.
Người Rohingya là những người không có tổ quốc. Myanmar không công nhận họ là công dân, mà gọi họ là người Bengali.
Người Rohingya được coi là một trong những sắc dân bị khủng bố nhiều
nhất trên thế giới. Họ đã sống ở Myanmar trong nhiều thế kỷ và được Miến
Điện công nhận sau khi nước này giành được độc lập từ tay người Anh vào
năm 1948. Nhưng trong những năm 1980, họ lại bị tước quyền công dân.
Chính phủ lập luận rằng họ là người nhập cư từ Bangladesh.
Hiện có hơn 1 triệu người Rohingya sống ở Myanmar không được hưởng
các quyền cơ bản. Hầu hết trong số họ sống ở miền tây bang Rakhine.
Nhiều người đang sống trong các trại tị nạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét