Ông Lê Đình Lượng bị 20 năm tù,
án cao nhất cho giới đấu tranh
Hôm 16/8, tòa án tỉnh Nghệ An tuyên
án ông Lê Đình Lượng 20 năm tù, mức án cao nhất từ trước đến giờ cho
giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Bình luận với BBC sau phiên toà, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Lượng, cho rằng có thể mức án 20 năm tù, dành cho ông Lê Đình Lượng "là để răn đe những ai có ý định dấn thân tranh đấu".
Mức án 20 năm tù giam nâng hình phạt của những can phạm bị buộc tội lật đổ chính quyền nhân dân lên một kỷ lục mới, cao hơn cả mức 16 năm tù vì tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" mà ông Trần Huỳnh Duy Thức đang thọ án.
Mới hồi tháng 4/2018, luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng cùng với tội danh trên chỉ bị tuyên án 15 năm tù. Tuy nhiên, đến tháng 6/2018, ông Đài và cộng sự Lê Thu Hà đã được cho đi tỵ nạn tại Đức.
Im lặng trước tòa là ngoan cố?
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho BBC biết là "Ông Lượng giữ quyền im lặng suốt phiên tòa, nên bị đánh giá là ngoan cố.""Có thể mức án 20 năm tù, ngoài khung đề nghị 17 năm tối đa của Viện Kiểm sát, dành cho ông Lượng là để răn đe những ai có ý định dấn thân tranh đấu."
"Càng về sau này, hình phạt cho những tội danh liên quan đến an ninh quốc gia càng rất nặng." Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.
"Rất tiếc là những phiên tòa thế này chưa thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự mới. Nghĩa là bản án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng cũng như kết quả thẩm tra chứng cứ tại tòa."
"Còn trong phiên tòa hôm nay thì cả hai nhân chứng đều phản cung, phủ nhận các lời khai về ông Lượng trong hồ sơ."
Phản ứng của tổ chức nhân quyền quốc tế
Trước phiên xử một hôm, thông cáo của Ân Xá Quốc Tế (AI), trích lời bà Clare Algar, giám đốc Điều phối Toàn cầu của AI, nêu:"Chỉ vì đã vận động một cách ôn hòa cho những người ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường mà ông Lê Đình Lượng có thể phải đối mặt với án tù. Đây rõ ràng là một vụ án bất công và mang tính chính trị và cần phải bị bãi bỏ. Ông Lê Đình Lượng cần phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện".
Trong khi đó, ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) được dẫn lời trong thông cáo của tổ chức này:
"Cuộc trấn áp mang tính hệ thống của chính quyền Việt Nam với giới bất đồng đã không ngăn được các nhà hoạt động dũng cảm như Lê Đình Lương tham gia vận động cho nhân quyền và dân chủ."
"Chính quyền Việt Nam nên hiểu rằng việc ngăn người dân thực thi các quyền cơ bản của họ là không hiệu quả."
"Sẽ có thêm nhiều nhà hoạt động tiếp tục cất lên tiếng nói và phản đối bất công. Việt Nam đang trên đường trở thành quốc gia có lượng tù nhân chính trị lớn nhất ở Đông Nam Á."
"Các đối tác thương mại nước ngoài và nhà tài trợ của Việt Nam nên yêu cầu ngừng hoạt động trấn áp này."
Tường thuật phiên xử, báo Nghệ An viết: "Qua quá trình xét xử, nhận thấy Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố Việt Tân, tòa án tuyên phạt Lê Đình Lượng 20 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
"Lợi dụng cái gọi là "bảo vệ môi trường", Lê Đình Lượng cùng một số đối tượng phản động, chống đối khác đã kích động tuần hành, biểu tình phản đối Formosa gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm; cung cấp kinh phí, phương tiện cho một số đối tượng phản động, chống đối phục vụ tuần hành, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự tại Hà Tĩnh, Quảng Bình…," báo Nghệ An bình luận.
Trong cuộc phỏng vấn trước phiên tòa, bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông Lê Đình Lượng, nói với BBC: "Tôi tin chồng tôi vô tội vì ông ấy có tội gì đâu mà thừa nhận."
"Từ một năm nay, tôi cũng không được gửi thuốc men cho chồng trong lúc ông già rồi, lại bị bệnh gút, thoái hóa cột sống."
"Tôi nghĩ những gì chồng tôi làm đều rất tốt và đúng pháp luật. Nhưng ông ấy có một mình mà chính quyền gán ghép tội "Lật đổ chính quyền nhân dân".
"Tôi không đồng tình với việc chồng bị khép tội nhưng tôi có thể làm gì với cơ chế này, nhà nước này ngoài chuyện gửi thư kêu oan, kêu cứu?"
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45204897
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét