Một nhà nghiên cứu nói “độc tính” trong hải sản ở các tỉnh miền Trung vẫn còn sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam về hải sản trong khu vực bị ảnh hưởng vì thảm họa môi trường Formosa.
Báo cáo của Bộ Y tế được công bố sáng thứ Ba 20/9, từ 1.340 mẫu hải sản lấy từ bốn tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) bị ảnh hưởng vì vụ cá chết hàng loạt.
Cá sống ở các “tầng nổi” và “hải sản tại đầm nuôi” được cho là “đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Không có mẫu nào phát hiện có Phenol”, báoNgười Lao Động tường thuật buổi báo cáo.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng nói “hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý đã phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản của 4 tỉnh có Phenol” và “đều nằm trong vùng từ 5 - 25 km (tương đương với khoảng từ 2,7- 13,5 hải lý) với tỉ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô - Thừa Thiên Huế”.
Bộ Y tế Việt Nam nói người dân “không sử dụng các loại hải sản” ở tầng đáy sống trong vòng 20 hải lý.
"Tự bảo vệ mình"
Nói với BBC Tiếng Việt từ Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, một giáo viên trung học nói: “"Nhà tôi đã không dám ăn gì có nguồn gốc ở miền Trung, dù ở Quảng Nam Đà Nẵng xa Hà Tĩnh. Tôi cũng nói gia đình ngừng ăn cá biển.”
Bà Trang giải thích vì “không biết cá biển từ đâu, cũng không biết tác hại đến đâu”.
“Tôi chưa thấy nhà khoa học nào nói ăn cá bị nhiễm độc sẽ bị gì cụ thể, nên tốt nhất là không có ăn, đề phòng cho bản thân.
“Dù các lãnh đạo nói biển đã an toàn tôi cũng không tin, vì không có nghiên cứu cụ thể. Đặc biệt là trong tình trạng hiện nay thì kết quả nghiên cứu độc lập từ tổ chức nước ngoài sẽ đáng được xem xét hơn là các tuyên bố chung chung.”
“Trong khi đó tốt nhất là tự mình phòng tránh để bảo vệ mình và gia đình,” bà nói.
"Khá lâu" để hồi phục
Trả lời BBC chiều 20/9, Tiến sỹ Nguyễn Tác An giải thích hiện tượng khác nhau này: “Sinh vật tầng đáy cũng cư trú bản địa tại đó nên người ta phát hiện ra độc tố được. Còn sinh vật nổi là sinh vật duy cư ở vùng khác đến. Tôi nghĩ trong nước thì độc tính vẫn còn nhưng vẫn theo thời gian trầm lắng xuống, tích lũy ở tầng đáy. Và sinh vật sống tại đó không di cư đi đâu được thì ta thấy có độc tố.”
“Còn trong nước do sinh vật nổi di cư ở các vùng ngoài khơi vào, tất nhiên độc tố Formosa cũng chỉ ảnh hưởng, theo nghiên cứu hải dương học, là ảnh hưởng 170km thôi. Ra xa nữa thì chưa thấy ảnh hưởng sinh vật ngoài khơi,” nhà nghiên cứu này nói.
Khi BBC hỏi về việc ăn hải sản đã an toàn hay chưa với kết luận này, ông nói các sinh vật bắt được bằng bẫy, lưới, cào đáy biển là “không an toàn”.
“Các chất này [phenol, xyanua] là độc cấp tính, ăn vào là có tác dụng ngay, và có thể dẫn đến tử vong. Còn nguy cơ sức khỏe là chuyện rất dài, rất nhiều bệnh con người sẽ chịu hậu quả vì ô nhiễm công nghiệp. Điển hình nhất là các chất độc này tác động đến thần kinh,” nhà nghiên cứu giải thích về các độc tính của phenol, xyanua có thể gây ra.
“Về độc tính học, dù có 0,1% cũng phải cảnh báo rồi. Đã có độc tố có nghĩa là có người nào đó bị nhiễm độc. Do đó không thể lấy con số nhiều hoặc cao, chỉ cần có biểu hiện là phải cảnh báo mọi người không sử dụng ngay. Không cần phải chờ có số lượng nhiều vì trong độc tố học với sức khỏe con người thì chỉ cần có vết thôi là đã cảnh báo rồi,” tiến sỹ An nhận định, và nói thêm báo cáo là “đáng hoan nghênh” vì “cảnh báo cho người dân biết thực trạng”.
Ông cũng nói, vùng biển nhiễm độc chất thải công nghiệp trong thảm họa môi trường này sẽ mất thời gian “khá lâu” để có thể hồi phục.
“Trong biển do động lực trôi dạt đi. Do khả năng của vùng biển nhiệt đới, có thể do các phản ứng hóa học, quang hóa, chuyển hóa đi, nhưng vẫn còn khả năng tích lũy lại trong các loại sinh vật, trầm tích vẫn còn. Tôi nghĩ thời gian không thể nhanh được,” ông nói.
Sự kiện cá chết xảy ra tại miền Trung Việt Nam từ tháng 4/2016, khiến nhiều ngư dân trong khu vực ảnh hưởng phải ngưng đánh bắt và không bán được hải sản.
Công ty Formosa bị kết luận là đã xả thải xuống biển gây ra thảm họa môi trường này.
Nguon: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160920_formosa_seafood_announcement
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét