Người được cho nhiều khả năng lên kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng tới
thăm Hoa Kỳ, sau khi hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc
Kinh.
Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, bắt
đầu chuyến công du Hoa Kỳ hôm 23/10, ít ngày sau khi tới Trung Quốc.
Nhận định về chuyến đi mà báo chí trong nước chưa thấy loan tải, tiến
sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại
Singapore, cho rằng chuyến thăm này “có hai ý nghĩa”.
Ông nói thêm:
“Thứ nhất, chuyến thăm Mỹ diễn ra ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của
ông Huynh cho thấy một điều là Việt Nam có vẻ muốn duy trì một sự cân
bằng nào đấy trong quan hệ với hai cường quốc. Điều này cũng thể hiện
lại lập trường lâu nay của Việt Nam là muốn duy trì một sự cân bằng giữa
hai bên. Đấy là chính sách Việt Nam muốn ưu tiên trong bối cảnh hiện
nay. Cái thứ hai có thể xuất phát từ phía Hoa Kỳ, phía Trung Quốc. Cũng
có nhiều đồn đoán cho rằng ông Đinh Thế Huynh có thể là một ứng cử viên
cho chức Tổng bí thư Đảng trong tương lai, nên các đối tác của Việt Nam
cũng muốn tranh thủ mời ông Huynh sang thăm và làm việc để xây dựng quan
hệ và tìm hiểu thái độ, xu hướng chính sách của ông.
Năm ngày trước đó, ông Huynh có mặt ở Bắc Kinh, gặp gỡ với các quan
chức cấp cao nước chủ nhà, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong khi đón tiếp quan chức được coi là ‘nhân vật số 2’ trong Đảng
Cộng sản Việt Nam, ông Tập thúc giục Hà Nội “coi trọng đà tiến tích cực
trong quan hệ song phương”, cũng như kêu gọi hai nước “tiếp tục tình bạn
hữu, duy trì quan hệ song phương hiện thời, xử lý đúng đắn tranh chấp,
và mở rộng hợp tác”.
Trả lời Hoàng Long của VOA Việt Ngữ, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cho
rằng chuyến đi Mỹ của ông Huynh mang “tầm quan trọng chiến lược” trong
bối cảnh Trung Quốc có những hành động “xâm lăng” đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, ông nhận xét thời điểm của chuyến thăm Mỹ cho thấy Việt
Nam vẫn xem mối quan hệ của mình với Trung Quốc là quan trọng nhất:
“Ông Đinh Thế Huynh sang Trung Quốc chỉ trong mấy ngày mang tính chất
xã giao nhiều hơn là thực chất, bởi vì những vấn đề quan trọng nhất như
là quan hệ về quân sự, kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được bàn
thảo tương đối kỹ qua chuyến đi thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân
Lịch và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”.
Chưa rõ là ông Huynh sẽ thảo luận gì với các quan chức Mỹ, nhưng
trong bối cảnh biển Đông chưa có lối thoát như hiện nay, theo các nhà
quan sát, đây sẽ là vấn đề nằm cao trong nghị trình.
Còn trong lần ở Trung Quốc vài ngày trước, ủy viên Bộ Chính trị Việt
Nam này, theo VNA, lên tiếng đề nghị Trung Quốc “nỗ lực duy trì hoà
bình, ổn định trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp, mở rộng
tranh chấp”.
Trong một bài phân tích đăng trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu
Chiến lược và Quốc tế, nơi từng đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam tới
phát biểu, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu của Chương trình
Đông Nam Á của trung tâm này, nhận định rằng chuyến thăm của ông Huynh
có thể được nhìn nhận là một phần của “hành động đu dây giữa các cường
quốc”.
Chuyên gia về quan hệ Việt – Mỹ này viết tiếp: “Việt Nam phải cân
bằng giữa nhu cầu linh hoạt về mặt ngoại giao và nhu cầu không làm mất
lòng Trung Quốc, và những chuyến thăm nước ngoài của những nhà lãnh đạo
Việt Nam đều được tính toán vì mục đích đó”.
Trước khi thực hiện chuyến công du lịch sử sang Hoa Kỳ năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã sang Trung Quốc trước.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét