NH Nguyễn
(ghi nhanh)
Tin Úc Châu: Trưa ngày 25-6-2015 tại quốc
hội tiểu bang Victoria Úc, từ Việt Nam cô
Phạm Thanh Nghiên đã kêu gọi: “Khi nói
Quyền Con Người là phổ quát và bất khả xâm phạm thì chúng tôi tin rằng quý vị sẽ
xem việc vi phạm Nhân quyền đối với bất kỳ ai, tại bất cứ quốc gia nào cũng là
những xúc phạm lên những giá trị nền tảng của chính quý vị.”
Sáu dân biểu tham dự tường trình về nhân quyền và thuyền nhân do Khối 8406 Úc châu tổ chức đều lên tiếng chúng tôi rất quan tâm đến nhân quyền Việt Nam.
Phía Chính phủ thuộc đảng Lao
Động gồm Bộ Trưởng Luke Donnellan, bà Lizzie Blandthorn, ông Hong Lim và ông
Dandy Pearson. Phía Đối Lập đảng Tự Do có hai ông Robert Clark và Murray
Thompson. Đảng Xanh và một số dân biểu nghị không tham dự được cũng đã gởi nhân
viên tham dự. Thủ Hiến Victoria Daniel Andrews, một số dân biểu nghị sĩ gởi thư
xin lỗi không thể tham dự và chúc buổi tường trình thành công.
Đặc biệt có còn sự tham dự của
ba học sinh người Úc được thu xếp đến tham quan các sinh hoạt Quốc Hội.
Phái đoàn Khối 8406 gồm ông
Nguyễn Quang Duy, cô Uyên Di, ông Phùng Mai và nhóm trẻ tích cực trong phong
trào WE ARE ONE.
Mở đầu buổi họp ông Nguyễn
Quang Duy ngỏ lời cám ơn sự hiện diện của
các vị dân cử đã thu xếp đến tham dự buổi tường trình. Đặc biệt ông cám ơn Bộ
Trưởng Luke Donnellan
đã giúp đứng ra tổ chức.
Hình 1: ông Nguyễn
Quang Duy khai mạc
Bộ Trưởng Luke Donnellan tiếp lời, cho biết ông luôn quan tâm đến
tình trạng vi phạm nhân quyền tại Viêt Nam. Ông tán thành phong trào WE
ARE ONE, được khởi xướng từ Việt Nam và được các
bạn trẻ trên thế giới nhiệt tình ủng hộ, như ngày hôm nay đã có nhiều người trẻ
tham dự. Hiện ông Donnellan đang bị nhà cầm quyền cộng sản không cho phép thăm Việt
Nam.
Tiếp theo bằng
điện thoại ông Phùng Mai đã liên lạc với cô Phạm Thanh Nghiên một thành viên Khối 8406, đại diện cho MLBVN,
một người đã khởi xướng phong trào WE ARE ONE. Cô đã từng bị cộng sản kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản
chế tại gia. Cô Uyên Di đã giúp phần thông
ngôn.
Cô Thanh Nghiên cho biết những bất công trong trại tù dành
cho cô và các nhà Tù Nhân Lương Tâm,
cô tóm tắt về phong trào WE ARE
ONE và cho biết
trong thời gian sắp tới sẽ có những cuộc tuyệt thực, tọa kháng, thắp nến đòi tự do cho các tù nhân lương tâm. Cô
kêu gọi các dân biểu Úc sử dụng bang giao và viện trợ buộc nhà cầm quyền cộng sản
phải thực thi nhân quyền và trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Cô đề nghị Đại
sứ Úc tại Việt Nam cử nhân viên viếng thăm gia đình các tù nhân lương tâm.
Sau đó là một
đoạn phim do Cô Uyên Di soạn, thuyết minh để trình bày về trường hợp vi phạm
nhân quyền mới nhất, việc bắt giữ anh Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ) vào tháng
tư vừa qua, chỉ vì anh mặc một áo thung với
huy hiệu trông giống như huy hiệu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa truớc 1975, đã bị
khép tội “gây rối trật tự công cộng” khi anh cùng hơn một trăm người biểu tình bất bạo động tại Hồ Gươm để phản đối
chính quyền Hà Nội chặt cây xanh. Hiện nay Khối 8406 đang vận động chính quyền
Úc lên tiếng đòi nhà cầm quyền Hà nội trả tự do cho anh.
Hình 2: Mọi người theo dõi đoạn phim về trường hợp Nguyễn Viết Dũng.
Tiếp theo là phần phát biểu của
cô Claudia Nguyễn, thế hệ thứ hai sinh trưởng tại Úc, sinh viên đại học
Melbourne. Bắt đầu cô giới thiệu bài
“Nhân quyền tốt hơn sẽ giảm thuyền nhân” do ông Nguyễn Quang Duy viết và
phổ biết trên BBC tiếng Việt ngày 23-3-2013. Cô cho biết trước đây, miền Nam Việt
Nam mặc dù chiến tranh không ai bỏ nước ra đi, nhưng sau biến cố 1975 người dân
Việt Nam phải bỏ nước ra đi bất chấp mọi
nguy hiểm chỉ vì Việt Nam đã mất tự do.
Hình 3: Cô Claudia trao đổi về vấn đề thuyền nhân
Cô đã chứng kiến những khó
khăn, biết thành công và đóng góp của cộng đồng nguời Việt, đáng kể là trong dịp
lễ Phục Sinh vừa qua đã gây quỹ hơn 500 ngàn Úc Kim cho bệnh viên nhi đồng
Hoàng Gia tại. Mặc dù vấn đề thuyền nhân là vấn đề gây nhiều tranh cãi cô mong
chính quyền Úc quan tâm và giúp đỡ các thuyền nhân Việt Nam họ đã phải dời Việt
Nam vì những vi phạm nhân quyền ở đó.
Các dân biểu
tham dự cho biết họ rất quan tâm đến vi phạm nhân quyền tại Viêt Nam họ đều hứa
sẽ hổ trợ vận động trả tự do cho anh Nguyễn Viết Dũng.
Dân biểu
Hong Lim đề nghị nên có buổi họp tương tự tại Quốc Hội Liên bang nếu cần họ sẽ
giúp tổ chức.
Ông Nguyễn
Quang Duy cho biết hiện Khối 8406 đang sửa soạn để có 1 buổi tường trình tương
tự đến các dân cử Liên Bang vào tháng 8 tới.
Ông Duy cũng
cho biết đã thu được chừng 7 ngàn chữ ký, Khối sẽ chuyển đến bà Ngoại Trưởng
Julie Bishop trong dịp này.
Hình 4: Thảo luận.
Dân biểu
Murray Thompson vì đến trễ nên đề nghị phái đoàn ở lại tóm tắt buổi tường
trình. Ông cho biết luôn quan tâm và ủng hộ vận động nhân quyền cho Việt Nam
trong nhiều năm qua. Ông mời phái đoàn Khối 8406 nếu có điều kiên ghé thăm ông
trong những ngày sắp tới. Ông đề nghị lần sau nên tổ chức vào buổi chiều để
tránh trùng với các sinh hoạt khác của Quốc Hội. Nếu cần ông sẽ giúp tổ chức.
Hình 5: Dân Biểu Murray Thompton trao đổi riêng với phái đoàn.
Dân Biểu
Murray Thompton dẫn phái đoàn ra tận cửa Quốc Hội. Sau đó phái đoàn đã đến quán
cà phê cạnh Quốc Hội vừa uống vừa thảo luận rút tỉa kinh nghiệm cho các công
tác ngoại vận sắp tới.
Melbourne 26/06/2015
NH Nguyễn (ghi nhanh)
Xin gởi bài
phát biểu của Phạm Thanh Nghiên. Bài phát biểu tại QH Victoria (Úc Châu). We
Are One.
Xin kính
chào quý vị!
Xin cảm ơn
quý vị đã cho tôi- công dân của một đất nước mà quyền con người không được tôn
trọng- có cơ hội để cất tiếng nói trước những Dân biểu của một đất nước Tự do:
Australia.
Kính thưa
quý vị!
Tôi từng bị
kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế chỉ vì công khai phản ánh thực trạng của
xã hội. Từng bị giam giữ trong một phòng giam rộng chưa đầy 6m vuông, bị xiềng
chân, bị phân biệt đối xử và bạo hành tinh thần. Kinh khủng hơn là phải chứng
kiến nhiều tù nhân chết trong trại giam vì bệnh tật, ốm đau, thiếu thốn và tự
sát vì quá sức chịu đựng.
Nhưng tôi chỉ
là một trong số rất nhiều những công dân Việt Nam bị bắt giam vì đấu tranh đòi
quyền làm người. Nhiều đồng đội của tôi là nạn nhân của sự bắt giữ tùy tiện và
bị ngược đãi trong các nhà tù. Điển hình cho tình trạng bắt giữ tùy tiện là các
trường hợp của bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Nguyễn Thúy Quỳnh, ông Nguyễn Văn Minh,
ông Nguyễn Đình Ngọc (Blogger Nguyễn Ngọc Già) và gần đây nhất là anh Nguyễn Viết Dũng. Anh Dũng bị
bắt hồi tháng 4 khi tham gia tuần hành ôn hòa bảo vệ cây xanh, phản đối chính
sách hủy hoại môi trường của chính quyền Hà Nội. Thông tin từ gia đình còn cho
biết Nguyễn Viết Dũng bị tra tấn, đánh đập trong khi bị giam giữ. Trong khi đó,
blogger Nguyễn Ngọc Già kể từ khi bị bắt tháng 12 năm 2014 đến nay đã không có
bất cứ một thông tin gì.
Việc đấu
tranh cho Tù nhân Lương tâm là một phần của “Chiến dịch Nhân quyền 2015- We Are
One” mà chúng tôi đang tiến hành.
Kính thưa
quý vị!
Với ít phút
ngắn ngủi quý giá, tôi xin được trình bày sơ lược về “Chiến dịch Nhân quyền
2015”- We Are One. Và những người đồng bào của tôi hiện diện hôm nay, hay trong
những cuộc tiếp xúc tương lai sẽ giúp quý vị phần nào hình dung được tình trạng
Nhân quyền tại Việt Nam.
“Chiến dịch
Nhân quyền 2015” chính thức được phát động ngày 10.3.2015 bởi 27 hội nhóm xã hội
dân sự độc lập và 163 cá nhân trong và ngoài nước chủ xướng. Với tinh thần
Chúng ta là một- We Are One, đặt quyền lợi và sự tồn vong của Tổ quốc lên trên
hết, tính đến nay, đã có hàng chục ngàn người ký tên vào “Thư ngỏ gửi Hội đồng
Nhân quyền Liên Hợp Quốc” cũng như ủng hộ và tham gia cuộc vận động Nhân quyền
2015.
Một trong những
mục tiêu của chiến dịch này là đề nghị Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, các
cơ chế nhân quyền Quốc tế cần tái cứu xét tư cách thành viên của Việt Nam, có
phản ứng mạnh mẽ hơn với các biện pháp chế tài cụ thể đối với nhà cầm quyền Việt
Nam vì những vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng.
Chúng tôi dự
định sẽ có những cuộc tuyệt thực, tọa kháng, thắp nến cho tự do tại nhiều thành
phố ở Việt Nam và thế giới. Chúng tôi sẽ thực hiện những buổi gặp gỡ với các Đại
sứ quán tại Việt Nam, văn phòng HĐNQ-LHQ ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, các dân
biểu, nghị sĩ tại các quốc gia có người Việt đang định cư và các tổ chức Nhân
quyền quốc tế để tranh đấu cho những Tù nhân Lương tâm đang bị giam cầm, đặt việc
trả tự do cho các Tù nhân Lương tâm Việt Nam như là những điều kiện tiên quyết
trong bang giao chính trị và các hợp tác kinh tế với Việt Nam.
Vì thế:
-Chúng tôi đề
nghị chính quyền Australia xét lại những đàm phán, ký kết thương mại, kinh tế,
viện trợ đối với Việt Nam. Hoặc tạo điều kiện cho các tổ chức dân sự độc lập tại
Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Australia được tham gia vào việc đánh giá
các chưong trình viện trợ cho Việt Nam.
- Chúng tôi
đề nghị các dân biểu quốc hội Australia thường xuyên lên tiếng và dùng các
phương tiện ngoại giao và các phương tiện khác để đòi trả tự do cho mọi TNLT VN
- Cử Đại sứ
quán, các phái đoàn Australia đến Việt Nam để thăm các Tù Nhân Lương Tâm và tìm
hiểu sự thật về chế độ lao tù tại Việt Nam. Đồng thời đến thăm gia đình các
TNLT để tìm hiểu an ủi thân nhân của họ.
Thưa quý vị!
Ngoài những
nỗ lực của chính người dân Việt Nam, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của thế giới
bên ngoài, của các quốc gia đang có quan hệ ngoại giao và đối tác với Việt Nam
trong đó có Australia. Khi nói Quyền Con Người là phổ quát và bất khả xâm phạm
thì chúng tôi tin rằng quý vị sẽ xem việc vi phạm Nhân quyền đối với bất kỳ ai,
tại bất cứ quốc gia nào cũng là những xúc phạm lên những giá trị nền tảng của
chính quý vị.
Xin cảm ơn
quý vị!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét