17 thg 6, 2015

Thêm một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc tấn công


Thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam neo đậu gần đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam neo đậu gần đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Một giới chức Việt Nam tố cáo Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam trong 3 vụ riêng rẽ chỉ nội trong tuần qua ở Biển Đông.

Hãng tin AP tường thuật rằng Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, ông Nguyễn Thanh Hùng, đã phản đối hành động mới nhất của Trung Quốc, chặn và cướp cá của ngư dân Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa hôm Chủ nhật, tiếp theo sau hai vụ tấn công tương tự xảy ra hồi tuần trước, khi mà tàu hải quân Trung Quốc tấn công và tịch thu hải sản trên tàu cá Việt Nam và xịt vòi rồng làm bị thương 2 người. Ông Nguyễn Thanh Hùng nói:

“Tôi mạnh mẽ lên án những hành động của Trung Quốc. Đây là ngư trường truyền thống của chúng tôi, nằm bên trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Báo Tuổi Trẻ hôm 16/6 tường thuật rằng ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết lại có thêm một tàu cá của ngư dân địa phương bị Trung Quốc tấn công hôm 14/6, và cũng như trong những lần tấn công trước đó, phía Trung Quốc đã cướp hải sản, máy móc thiết bị của ngư dân Việt Nam. Tàu cá này mang số hiệu QNg-90205 là của ông Nguyễn Văn Quang, một ngư dân của thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu.

Ông Nguyễn Thanh Hùng nói rằng nhiều thế hệ ngư dân Việt Nam đã từng đánh cá tại nơi này.  

Các vụ tấn công diễn ra giữa lúc Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khởi sự chuyến công du 3 ngày tới Trung Quốc trong ngày hôm nay, để thảo luận về vấn đề hợp tác song phương. Tình hình Biển Đông dự kiến sẽ là một đề tài ưu tiên cao trong nghị trình thảo luận.

Các hoạt động quy mô lớn của Trung Quốc để xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã bị nhiều nước trong khu vực và Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho hay họ sẽ hoàn tất các công trình trên 7 hòn đảo và bãi đá ngầm nội trong vài ngày tới, và sẽ tiến hành việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trên các nơi này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp lại rằng các đảo mới được bồi đắp sẽ có ích cho công tác nghiên cứu biển cũng như hỗ trợ cứu nạn, cứu trợ thiên tai, bảo vệ môi trường, hướng dẫn tàu bè qua lại và ‘thực thi các chức năng liên hệ’.

Hãng tin Reuters trích lời chính quyền Trung Quốc hôm nay tiết lộ thêm một số chi tiết về các dự án xây cất trên các đảo mới bồi đắp, gồm dự án xây hải đăng, các trạm liên lạc thông tin và các cơ sở khác để dùng vào các mục đích dân sự và các trường hợp khẩn cấp.
Một lần nữa Bắc Kinh tái khẳng định những hoạt động của họ sẽ không ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Theo một chuyên gia về Biển Đông làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), Mira Rapp Hooper, loan báo về việc kết thúc hoạt động xây đảo nhân tạo có thể là nhằm giảm thiểu căng thẳng trước cuộc Đối thoại về Chiến lược và Kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dự kiến diễn ra từ ngày 22 tới 24 tháng 6. Tuy nhiên, chuyên gia này nói rằng đó không phải là dấu hiệu về bất cứ thay đổi nào trong chính sách của Bắc Kinh.
Nguồn: AP, Reuters, Indiatimes.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét